Niệm châu hay còn được biết đến với các tên gọi khác như: sổ châu, Phật châu, tụng châu, chú châu, tràng hạt,…là một trong muôn vàn phương tiện tu tập của Phật giáo, là vật tùy thân của các hành giả giúp họ chú tâm vào các đối tượng trì niệm, giúp xâu suốt các ý tượng thành một trật tự, từ đó giúp người tu tập có thể đi sâu vào các trạng thái thiền định.
1. Khởi nguồn của niệm châu
Niệm châu có khởi nguồn từ Ấn Độ. Theo đó, người Ấn giáo theo phái thờ thần Siva dùng một loại hạt gọi là rudrāka để xâu thành tràng hạt. Theo truyền thuyết của người Ấn Độ giáo, có một lần thần Siva ngắm nhìn xuống thế gian, thấy chúng sinh sống trong khổ cực nên đã đau lòng, nhỏ những giọt nước mắt, những giọt nước mắt này nhỏ thành cây sinh ra những hạt đỏ thẫm. Người ta bèn lấy hạt ấy làm tràng hạt để cầu nguyền, tượng nhớ sự từ bi của thần Siva.
Trong Kinh điển Phật giáo, khởi nguồn niệm châu căn cứ vào sự khai thị của Đức Phật đối với vua Ba Lưu Ly. Theo đó, Kinh Mộc Hoạn Tử ghi chép lại rằng: “Một thời Đức Phật cùng giáo đoàn của ngài du hóa trong núi Kỳ Xà Quật (Grdhrakùta), nước La Duệ Kỳ (Ràjagrha) quốc vương trong thời nạn ấy tên là Ba Lưu Ly, sai sứ giả đến chốn Phật để xin Thế Tôn đặc biệt rủ lòng thương xót, cho pháp yếu để có thể tu hành được dễ dàng và trong đời mai sau xa lìa được mọi khổ não.
Đức Phật bảo sứ giả về thưa với nhà vua rằng: nếu nhà vua muốn diệt được phiền não chướng, báo chướng nên xâu một chuỗi tràng 108 hạt bằng hạt cây tra (mộc hoạn tử) và thường đem theo mình; khi đi, khi ngồi, khi nằm thường nên chí tâm, không phân tán ý, xưng danh hiệu: Phật, Pháp, Tăng mỗi lần, lần qua một hạt cây tra. Cứ như thế, lần lượt qua hạt này đến hạt khác, như: mười hạt, hai mươi hạt, trăm hạt, nghìn hạt, cho đến trăm nghìn vạn hạt.
Nếu lần được đủ hai mươi vạn lượt, mà thân tâm không tán loạn, không có những siểm khúc, thời khi xả thân này được sinh lên cõi Diệm Thiên thứ ba. Lên đấy, y, thực tự nhiên, thường an lạc hạnh. Nếu lại lần đủ được một trăm vạn lượt, sẽ dứt hẳn được một trăm tám kết nghiệp, mới gọi là vị chứng được quả Tu-Đà-Hoàn (ngược dòng sinh tử), hướng đến đạo Niết bàn, dứt hẳn cội gốc phiền não và chức được quả vô thượng”.
Tràng hạt Phật giáo được ra đời từ khi ấy và trở thành một pháp khí quan trọng hỗ trợ các hành giả trong con đường tu học Phật pháp.
2. Ý nghĩa số hạt niệm châu trong Phật giáo
Theo Kinh Mộc Hoạn Tử, ban đầu, niệm châu có 108 hạt. Về sau, để phù hợp với các nghi thức hành lễ, tràng hạt có thể được xâu thành các chuỗi hạt ít hơn như: 54, 42, 27, 21, 14 hoặc nhiều hơn như 1080 hạt.
Mỗi con số trong xâu chuỗi hạt biểu thị một ý nghĩa khác nhau như:
- Chuỗi 108 hạt: biểu thị cho cầu chứng 108 pháp Tam Muội mà đoạn trừ 108 phiền não.
- Chuỗi 54 hạt: biểu thị cho 54 cấp vị quá trình tu hành của Bồ Tát, tức là Thập Tín, Thập Trú, Thập Hạnh. Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Tứ Thiện Căn Nhân Địa.
- Chuỗi 42 hạt: biểu thị cho 42 cấp vị quá trình tu hành của Bồ Tát, tức Thập Trú, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Đẳng Giác, Diệu Giác.
- Chuỗi 27 hạt: biểu thị cho 27 cấp vị của Tiểu Thừa tu hành Tứ Hướng Quả, tức 18 bậc Hữu Học của Tứ Hướng Tam Quả trước, với 9 bậc Vô Học của Đệ Tứ Quả A La Hán.
- Chuỗi 21 hạt: biểu thị cho 21 vị, tức Thập Địa, Thập Ba La Mật và quả vị Phật.
- Chuỗi 14 hạt: biểu thị cho 14 Pháp Vô Úy của Bồ Tát Quán Thế Âm.
- Chuỗi 1080 hạt: biểu thị cho 10 cảnh giới, mỗi cảnh giới đều có 108, cộng lại thành 1080.
3. Công dụng của niệm châu
Niệm châu hay còn gọi là tràng hạt niệm Phật được sử dụng như một pháp khí trong tu tập, giúp liên kết và thiết lập trật tự cho các lời cầu nguyện, các bài kinh, kệ tán, các danh diệu, các thần chú trong khi hành trì.
Niệm châu là một trong muôn vàn phương tiện tu tập. Dùng tràng hạt khi niệm Phật, lần chuỗi mà ghi nhớ số câu giúp tâm ít tán loạn, an dưỡng thân tâm, loại bỏ vọng tưởng mà đạt được các thành tựu.
Không chỉ được sử dụng trong tu học Phật pháp, ngày nay, người ta còn sử dụng các chuỗi trang hạt như một trang sức có ý nghĩa phong thủy đeo trên cổ tay nhằm bảo vệ bản thân, xua đuổi những phiền não, cho thân tâm an lạc, đồng thời thu hút thêm bình an và may mắn.