Học thuyết ngũ hành là một trong những nền tảng quan trọng của triết học phương Đông. Đây là một hệ thống lý luận nhằm giải thích về sự hình thành, vận động, biến hóa của vạn vật trong vũ trụ và được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực từ y học, phong thủy, nghệ thuật đến đời sống hằng ngày, trở thành một hệ tư tưởng trong tư duy phương Đông truyền thống, trong đó có Việt Nam.

Học thuyết ngũ hành là một trong những nền tảng quan trọng của triết học phương Đông
1. Ngũ hành là gì?
Ngũ hành gồm 5 yếu tố cơ bản: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, đây là những nguyên tố cơ bản tồn tại trong vạn vật. Theo triết học cổ đại, ngũ hành không chỉ là những yếu tố vật chất đơn thuần mà còn đại diện cho các trạng thái, quá trình biến đổi và quan hệ của vạn vật trong mối tương quan hài hòa, thống nhất.
Ngũ hành có 3 đặc tính cơ bản: lưu hành, luân chuyển và biến đổi không ngừng theo hai quy luật chính:
- Tương sinh: là cùng thúc đẩy, hỗ trợ nhau để sinh trưởng, phát triển.
- Tương khắc: là sự áp chế, sát phạt cản trở sinh trưởng, phát triển của nhau.
Hai quy luật này luôn tồn tại song song tạo nên sự cân bằng trong vạn vật, như một vòng tròn hài hòa, phản ánh quy luật vận động của tự nhiên và xã hội.
2. Nguồn gốc của học thuyết ngũ hành
Học thuyết ngũ hành ra đời tại Trung Quốc, vào khoảng từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc (770 – 221 TCN).
Từ thuở ban đầu, ngũ hành được sử dụng như một phương pháp để giải thích sự thay đổi của đất trời và các hiện tượng tự nhiên như thời tiết, mùa màng.
Dần dần, ngũ hành trở thành một phần của học thuyết Âm Dương, bổ sung và hoàn thiện hệ thống tư duy biện chứng phương Đông, hình thành nên nền tảng triết học của y học cổ truyền, phong thủy, tử vi, thiên văn học và cả chính trị, xã hội thời cổ đại.
Ý nghĩa của từng hành trong ngũ hành:
- Kim: đại diện cho kim loại, mang ý nghĩa về sự cứng rắn, bền bỉ và sắc bén, tượng trưng cho sự quyết đoán và mạnh mẽ.
- Mộc: đại diện cho cây cối, thực vật, là hình ảnh của sự sống, sự phát triển và sinh sôi với các đặc tính linh hoạt, khả năng sinh trưởng và sức sống dồi dào.
- Thủy: đại diện cho nước, là nguồn gốc của sự sống, tượng trưng cho sự linh hoạt, mềm mại, khả năng thích nghi nhưng cũng ẩn chứa nhiều sức mạnh tiềm ẩn.
- Hỏa: đại diện cho lửa, là hình ảnh của ánh sáng, năng lượng, sự bùng cháy, mang ý nghĩa về lòng nhiệt huyết, khát vọng và niềm đam mê.
- Thổ: đại diện cho đất, mang tính ổn định, bền vững, cân bằng, sự nuôi dưỡng và khả năng kết nối.
Quy luật tương sinh – tương khắc của ngũ hành:
5 yếu tố của ngũ hành không tồn tại riêng biệt mà luôn có sự gắn kết, tác động lẫn nhau, phản ánh sự vận động không ngừng nghỉ của tự nhiên đồng thời thể hiện sự cân bằng và biến đổi trong vũ trụ.
Quy luật tương sinh và tương khắc là 2 nguyên tắc cốt lõi của học thuyết ngũ hành. Theo đó:
- Ngũ hành tương sinh: Trong ngũ hành, một yếu tố sinh ra hoặc nuôi dưỡng một yếu tố khác: Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, thể hiện sự tiếp nối và phát triển tuần hoàn, sự sinh sôi không ngừng nghỉ của vạn vật.
- Ngũ hành tương khắc: Theo quy luật này, một yếu tố có khả năng kiểm soát hoặc làm suy yếu một yếu tố khác: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim.
Hai quy luật này bổ trợ lẫn nhau để duy trì sự cân bằng trong vạn vật. Tương sinh thúc đẩy sự phát triển, trong khi đó tương khắc điều chỉnh để không vượt quá giới hạn, tạo nên một sự chế hóa không thể tách rời.
3. Ứng dụng của học thuyết ngũ hành trong đời sống
Học thuyết ngũ hành được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống, cụ thể như:
Y học cổ truyền: Học thuyết ngũ hành đóng vai trò nền tảng, kết hợp cùng học thuyết Âm Dương tạo nên một hệ thống lý luận cốt lõi, định hướng cho các hoạt động nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Phong thủy: Học thuyết ngũ hành được ứng dụng trong lựa chọn hướng nhà, đất, thiết kế, bài trí không gian sống, lựa chọn màu sắc, trang trí nội thất, nhằm đảm bảo dòng chảy năng lượng hài hòa, đồng thời thu hút thêm sự thịnh vượng, sức khỏe cho gia chủ.

Học thuyết ngũ hành được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực đời sống
Nông nghiệp: Ngũ hành được ứng dụng để dự đoán thời tiết, khí hậu, lựa chọn giống cây trồng cũng như thời điểm gieo trồng thích hợp.
Văn hóa – Nghệ thuật: Việc ứng dụng ngũ hành trong các tác phẩm hội họa, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc giúp truyền tải sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người đồng thời tạo nên những tác phẩm giàu tính biểu tượng và cảm xúc.
Đời sống: Học thuyết ngũ hành thấm sâu vào từng ngóc ngách đời sống thường nhật của người phương Đông. Người ta dùng ngữ hành trong tử vi, nhằm dự đoán vận mệnh, tính cách và xu hướng tương lai của mỗi người, cùng như lựa chọn ngày giờ tốt cho các công việc trọng đại như: cưới hỏi, khai trương, động thổ,… Ngũ hành cũng được ứng dụng trong việc chọn tên, lựa chọn trang phục, phụ kiện, màu sắc, … giúp mang đến sự cân bằng, có tính kết nối với thiên nhiên đồng thời thu hút thêm sức khỏe, bình an, may mắn và hạnh phúc.
Học thuyết ngũ hành không dừng lại là một hệ thống lý thuyết triết học cổ xưa mà còn là công cụ thực tiễn. Hiểu và ứng dụng đúng ngũ hành trong các lĩnh vực của đời sống giúp dẫn dắt con người hướng tới sự hài hòa, bền vững, từ đó mang đến cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Xem thêm: