Khóc là cách giao tiếp tự nhiên của trẻ để biểu đạt các nhu cầu hoặc cảm xúc. Tuy nhiên, không phải tiếng khóc nào cũng giống nhau, đặc biệt trong những trường hợp trẻ khóc kéo dài, dữ dội không ngừng. Tình huống này có thể xảy ra do hiện tượng khóc dạ đề nhưng cũng có thể là dấu hiệu nhận biết bé đang gặp vấn đề về sức khỏe. Vậy làm thể nào để phân biệt được khóc dạ đề và khóc do bệnh lý? Mời các bạn cùng An Lạc Shop tìm hiểu thông qua bài viết sau nhằm giúp các bậc cha mẹ bình tĩnh xử lý với tiếng khóc của con yêu đồng thời có các biện pháp chăm sóc bé đúng cách đặc biệt kịp thời phát hiện những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn ở trẻ.

Phân biệt khóc dạ đề và khóc do bệnh lý giúp ba mẹ biện pháp chăm sóc bé đúng cách
1. Khóc dạ đề là gì?
Khóc dạ đề (hay còn gọi là Colic) là tình trạng thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đây là hiện tượng sinh lý phổ biến, xảy ra ở khoảng 20% trẻ sơ sinh.

Khóc dạ đề là hiện tượng sinh lý thường gặp ở 20% trẻ sơ sinh
Một số dấu hiệu nhận biết khóc dạ đề:
- Thời gian khóc cố định: Trẻ thường khóc vào một khung giờ cố định, thường là vào lúc chiều hoặc tối.
- Trẻ khóc thét dữ dội, mặt và toàn thân đỏ bừng. Trong lúc khóc, bé thường cong lưng, cong người, oằn mình, tay nắm chặt, bụng căng cứng và đầu gối co lên.
- Các cơn khóc kéo dài, dai dẳng, không thể dỗ dành.
- Giấc ngủ của bé không sâu, có thể khóc thét lên trong lúc ngủ.
- Các cơn khóc thường kéo dài hơn 3 giờ mỗi ngày, nhiều bé có thể khóc 3 ngày hoặc nhiều hơn trong một tuần, khoảng 3 tuần trong một tháng.
- Tình trạng khóc giảm dần khi bé được từ 4 – 6 tháng tuổi mà không cần can thiệp y tế.
Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra chính xác nguyên nhân của hiện tượng khóc dạ đề. Các giả thiết được đưa ra cho rằng khóc dạ đề có liên quan đến hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ, sự nhạy cảm với các kích thích của môi trường hoặc cũng có thể do trẻ đang điều chỉnh nhịp sinh học.
2. Khóc do bệnh lý
Nếu khóc dạ đề là một hiện tượng sinh lý thì khóc do bệnh lý thường đi kèm với các bất thường trong sức khỏe của trẻ, đòi hỏi sự chú ý và can thiệp bởi các bác sỹ chuyên khoa.

Khóc do bệnh lý có thể đi kèm các bất thường trong sức khỏe
Một số nguyên nhân bệnh lý phổ biến khiến trẻ khóc dai dẳng bao gồm:
- Trẻ bị đau bụng do đầy hơi, tắc ruột, trào ngược dạ dày thực quản.
- Một số bệnh nhiễm trùng như viêm tai giữa, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm màng não,….
- Trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D.
- Trẻ bị táo bón hoặc tiêu chảy.
Bên cạnh những cơn khóc dữ dội, dai dẳng không ngừng, khóc do bệnh lý thường đi kèm một số triệu chứng rõ ràng khác như:
- Sốt: có thể sốt cao trên 38 độ C.
- Nôn ói: các trường hợp trẻ nôn ói nhiều, nôn ra các chất lạ là bất thường.
- Trẻ gặp các vấn đề như phát ban, khó thở, bụng chướng, phân bất thường, thở khò khè, tím tái, co giật…
- Trẻ bỏ bú, lờ đờ, chậm phản ứng….
Nếu trẻ khóc dai dẳng kèm theo một trong số các triệu chứng trên, ba mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Ba mẹ cần quan sát trẻ, phân biệt các biểu hiện khác nhau giữa khóc dạ đề và khóc do bệnh lý nhằm có hướng xử lý kịp thời. Trường hợp bé khóc dữ dội, dai dẳng không ngừng trong các khung giờ nhất định, ngoài khoảng thời gian đó, bé vẫn ăn ngủ bình thường, vui chơi hoạt bát, thể trạng khỏe mạnh thì ba mẹ không cần quá lo lắng, hoảng hốt, đó là tình trạng phổ biến ở lứa tuổi sơ sinh và sẽ tự hết khi bé 4 – 6 tháng tuổi. Ba mẹ hãy kiên nhẫn, thực hiện các biện pháp giúp giảm khóc dạ đề, xoa dịu trẻ, đồng hành cùng trẻ vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng nhất nhé.