Truyền thống văn hóa của người Việt tự bao đời luôn đề cao chữ “Hiếu”. Hằng năm, cứ đến mỗi dịp tháng 7 Âm lịch, người dân trên khắp cả nước đều hướng tới Lễ Vu Lan. Đây là một ngày lễ lớn có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong nhà Phật mà còn là dịp để những người con báo hiếu cha mẹ, thể hiện tình cảm và lòng biết ơn đến với các đấng sinh thành.
Lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức vào rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm. Vậy ngày lễ này có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào? Mời các bạn cùng An Lạc Shop tìm hiểu thông qua bài viết sau.
Lễ Vu Lan báo hiếu là gì?
Vu Lan: là từ gọi tắt của Vu Lan Bồn, có âm tiếng Phạn là “Ullambana”, theo tiếng Hán có nghĩa là “Giải Đảo Huyền”, tức là hóa giải tội bị treo ngược ( hay hóa giải những sự thống khổ trong địa ngục).
Báo hiếu: là sự đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của con cái đối với cha mẹ hiện tại và cha mẹ ở nhiều kiếp trước.
Lễ Vu Lan Báo hiếu được tổ chức vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm. Trong năm 2023, lễ rơi vào thứ 7 ngày 30 tháng 8 dương lịch.
Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là một một ngày lễ lớn trong Phật giáo mà còn trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân trong cả nước. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên.
Lễ Vu Lan thường kết hợp cả các hoạt động tôn kính cha mẹ và tổ tiên, cũng như các nghi lễ cầu nguyện cho linh hồn của những người đã mất.
Tùy theo vùng miền và truyền thống, cách tổ chức Lễ Vu Lan có thể khác nhau, nhưng phần lớn đều bao gồm việc cắm hoa, đốt nhang, thắp nén vàng và cầu nguyện cho các linh hồn.
Nguồn gốc của Lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan Báo Hiếu có nguồn gốc từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn. Đó là câu chuyện về Ngài Mục Kiều Liên – một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Phật Thích Ca, cứu mẹ là bà Thanh Đề thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.
Kinh Vu Lan Bồn ghi lại rằng: Khi ngài Mục Kiều Liên đạt thành chánh quả, ngài tưởng nhớ tới mẹ của mình nên đã dùng tuệ nhãn soi khắp cõi trời, cõi người để tìm nhưng không thấy mẹ. Đến khi ngài nhìn xuống cõi ngạ quỷ nhìn thấy mẹ bị đọa thành một con quỷ đói, bị đói khát hành hạ vô cùng khổ sở.
Vì thương xót mẹ, Ngài hóa phép thành thức ăn dâng lên mẹ nhưng khi bà bốc cơm đưa vào miệng thì cơm biến thành than hồng khiến bà không thể nào ăn được.
Tôn giả Mục Kiều Liên không có cách nào giúp mẹ nên đã quay về hỏi Đức Phật. Đức Phật chỉ dạy rằng: “Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ”.
Vâng lời Đức Phật, Tôn giả Mục Kiều Liên sắm sửa lễ cúng, cung thỉnh chư Tăng chú nguyện hồi hướng công đức phúc báu cho mẹ. Bằng cách đó, không chỉ mẹ ông mà còn cả tổ tiên, cửu huyền thất tổ cũng thoát khỏi đau khổ.
Đức Phật cũng dạy rằng: “Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng có thể làm theo cách này”.
Ý nghĩa của Lễ Vu Lan Báo Hiếu
Vu Lan Báo Hiếu là một trong những ngày lễ lớn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Lễ Vu Lan Báo Hiếu trở thành dịp để thể hiện lòng hiếu thảo đến cha mẹ, tưởng nhớ công ơn của cha mẹ, tổ tiên trong kiếp này và nhiều kiếp trước.
Lễ Vu Lan Báo Hiếu còn trùng với ngày xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Tín ngưỡng dân gian cho rằng đây là ngày mở cửa địa ngục, ân xá cho các vong nhân, giúp các tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, thoát sanh. Vậy nên trong ngày này, ngoài mâm cúng ông bà, tổ tiên trong nhà, người ta còn cúng thêm mâm ngoài trời dành cho những cô hồn không nhà cửa, không nơi nương tựa.
Trong dịp lễ Vu Lan, các Phật Tử thường thực hiện các nghi thức cầu siêu cho người đã khuất, làm phúc bố thí, phóng sinh nhằm tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ, tổ tiên hưởng thêm phước báu, tiêu trừ nghiệp chướng.
Trong ngày lễ này, các Phật Tử khi lên chùa sẽ được cài một bông hồng lên áo: bông hồng màu đỏ tượng trưng cho những ai đang còn mẹ như lời nhắc nhở về sự vâng lời, hiếu kính đối với mẹ cha. Bông hồng màu trắng cho những ai đã mất mẹ để tưởng nhớ cha mẹ và sự biết ơn đối với công ơn các đấng sinh thành.
Từ một nghi thức mang đậm màu sắc Phật giáo, ngày nay lễ Vu Lan dần trở thành một nét đẹp văn hóa mang dấu ấn đậm nét trong tâm thức của mỗi người Việt Nam.
Một mùa Vu Lan lại về, khơi gợi lòng hiếu thảo, tinh thần báo hiếu của những người con đối với cha mẹ, để mỗi chúng ta ngày càng nỗ lực hơn báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Lễ Vu Lan mở rộng ra trở thành một mùa báo hiếu, báo ân, nhắc nhở mọi người về sự đoàn kết và tình yêu thương trong gia đình, về cội nguồn dân tộc, về tinh thần đền ơn đáp nghĩa.